Chân dung nhà vô địch Cờ vua thế giới đầu tiên - Wilhelm Steinitz


Steinitz là người phát minh ra lối chơi thế trận liên hoàn. Gom các ưu thế nhỏ sẽ đem lại một ưu thế đáng kể. Chỉ tấn công khi đã "bài binh bố trận" chặt chẽ, kín đáo

Wilhelm Steinitz sinh ngày 14 tháng 5 năm 1836 tại thành phố Prague thuộc đế quốc Áo-Phổ trong một gia đình rất nghèo, đông con. Là người điềm đạm và chăm chỉ, từ nhỏ Steinitz rất ưa thích toán và cờ. Năm 22 tuổi Steinitz ghi tên mình vào trường Bách khoa thành phố Viene và học tại đó 4 năm. Ông quan niệm về chơi cờ rất nghiêm túc nên dành nhiều thì giờ nghiên cứu kỹ lưỡng, khám phá và xây dựng nên những lý thuyết riêng của mình về môn chơi này.

Trước Steinitz, các nhà chơi cờ có tiếng thời bấy giờ đều thích lấy tấn công làm chính. Các nước ra quân được triển khai khá nhanh để đưa đến thế trận đối chọi ác liệt, nhắm bắt quân hoặc mau chóng chiếu hết Vua đối phương. Steinitz không chơi theo cách như vậy. Ông suy nghĩ, khám phá trong một thời gian dài và chính ông đã mạnh dạn "làm lại từ đầu" các quan niệm về thế trận. Trước hết, ông nâng cao vai trò của phòng thủ lên một tầm cao mới. Ví dụ, bằng nhiều ván cờ sinh động của mình, ông đã chỉ ra cho những người cùng thời thấy rằng việc đẩy các Tốt lên cao ngay từ đầu, nhất là các Tốt ở khu vực nhập thành là một điều sai lầm không thể tha thứ được. Việc coi thường vai trò của Tốt và đặt chúng vào những vị trí không thích hợp sẽ làm cho thế cờ có nhiều chỗ yếu, sơ hở. Lý luận về cách di chuyển các Tốt của ông được các nhà chơi cờ lúc bấy giờ công nhận và thán phục.
Cách chơi cờ của Steinitz được gọi là "chơi theo thế trận liên hoàn". Ông nói dứt khoát: "Bất kỳ nước đi nào cũng phải có cơ sở của nó. Sự tấn công phải đúng thời cơ và có nền tảng, nghĩa là chỉ tấn công khi nào đã "bài binh bố trận" chặt chẽ, kín đáo và chỉ khi nào cảm thấy rõ rệt đã có được lợi thế". Cách ra quân của ông không vội vã, rất chắc chắn, có hiệu quả, nhất là trong quá trình đó lại phát hiện ra được các sơ hở trong thế trận của đối phương.

Ông nói: "Gom góp các ưu thế nhỏ sẽ đem lại một ưu thế đáng kể". Ở ông ít có sự mạo hiểm, thí quân gay gắt hoặc những bước đi gây bất ngờ cho đối phương. Với lý thuyết của mình, ông được đánh giá là một nhà cải cách lớn về cờ Vua thời bấy giờ.

Chúng ta hãy quay trở lại trận đấu giành chức Vô địch thế giới lần đầu tiên, năm 1886, giữa Steinitz và Zukertort. Ngày nay còn giữ lại được một bài báo,đăng trên tạp chí cờ Vua có tiếng ở Mỹ lúc đó là "International Chess Magazine", viết về trận đấu: "Người ta đã thành lập một ủy ban đặc trách của câu lạc bộ cờ Vua Manhattan nhằm hoàn thiện một cách hết sức kỹ càng mọi công việc nhỏ nhặt nhất của trận đấu này. Mấy nghìn tờ ghi chương trình và những điều liên quan đến trận đấu đã được in ra và phân phát. Hai đấu thủ thi đấu ở chính chiếc bàn mà trước đó nhà chơi cờ thiên tài Paul Morphy đã từng chơi. Ngài Mekenzi sao lại các nước đi của hai đáu thủ lên một bàn cờ lớn treo trên tường. Ngay lập tức các nước đi này được truyền tới tất cả các câu lạc bộ cờ Vua ở nước Mỹ và đồng thời được truyền ngay tới Luân Ðôn".Trận đấu giữa Zukertort và Steinitz năm 1886.

Vào cuộc, bất chấp mọi lý luận sách vở của Steinitz, Zukertort cứ thoải mái chơi theo phong cách của mình và đã làm cho nhà cải cách lớn lúc bấy giờ một phen hú vía: Trong năm ván đầu, Zukertort đã đánh thắng Steinitz một lèo với tỷ số 4-1. Không ít người bắt đầu tỏ ra nghi ngờ lý thuyết của Steinitz. Cũng may mà Steinitz không nản chí. Ông tin rằng lòng kiên trì của mình cộng với tính chính xác của lý thuyết sẽ giúp ông đi đến thắng lợi. Dần dần ông nhận ra được phong cách, điểm mạnh, điểm yếu của đối phương. Các ván sau ông đánh chậm song không sơ hở. Trong mười ván tiếp theo, ông thắng lại 9 ván và chỉ thua 1 ván duy nhất (không kể 5 ván hòa). Tỷ số cuối cùng là 10-5, một tỷ số xứng đáng để ông trở thành nhà Vô địch thế giới đầu tiên về cờ Vua, được các nhà chơi cờ trên thế giới (thực ra lúc đó chỉ có hai lục địa Âu-Mỹ) nhất trí công nhận.

Cũng nên nói thêm là Steinitz trở thành nhà Vô địch thế giới vào lúc ông đã 50 tuổi! Ðiều đó cũng chứng minh rằng lý thuyết cờ của ông là lý thuyết cờ tiên tiền nhất thời bấy giờ và trận đấu đã chứng minh tính đúng đắn và sự thành công của nó. Về trận đấu lịch sử này, kiện tướng Kotov đã đánh giá: "Nó đã đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ cũ và mở ra một thời kỳ mới".

Sau sự kiện đáng ghi nhớ đó, các danh thủ lại chia tay nhau mỗi người một ngả. Tất cả đều nhìn nhận trận đấu để chọn người xứng đáng trao vòng nguyệt quế là một thành công. Tuy nhiên một số vấn đề lại được đặt ra: Nhà vô địch sẽ được giữ danh hiệu này trong bao lâu? Các trận đấu để chọn người tranh chức vô địch sẽ tiến hành theo thể thức nào? Thời bấy giờ chưa có được một tổ chức quốc tế nào về cờ Vua đứng ra sắp xếp và bảo trợ những công việc như vậy.

Cuối cùng người ta quyết định để cho nhà vô địch được quyền quyết định.Steinitz được thông báo rằng, chọn ai là đối thủ để tranh chức vô địch là tùy ông.Steinitz đã chọn danh thủ cao cờ nhất thời bấy giờ làm đối thủ của mình. Ðó là Mikhail Ivanovich Chigorin (1850-1909), nhà chơi cờ lừng danh người Nga.Chigorin đã viết nhiều tác phẩm xuất sắc về lý thuyết cờ Vua. Mặc dầu trẻ hơn Steinitz tới 14 tuổi, nhưng cuộc tranh luận giữa ông và Steinitz đã trở thành sự kiện nổi bật lúc bấy giờ. Chigorin một mặt thừa nhận và đánh giá cao ý nghĩa các tác phẩm của Steinitz, nhưng mặt khác, ông vạch rõ cách chơi của Steinitz mang rõ tính thụ động, chờ thời. Cuộc tranh luận bùng nổ, lắm khi trở nên khá gay gắt. Tuy nhiên trong thâm tâm, Steinitz không khỏi khâm phục con người có dũng khí, can đảm và đầy sáng tạo này. Chính vì vậy ông chấp nhận lời thách đấu với Chigorin.

Steinitz đã bảo vệ được danh hiệu cuả mình trong 8 năm liên tục. Ðến năm 1894 ông mới phải trao lại vương miện cho Emanuel Lasker. Wilhelm Steinitz qua đời năm 1900, thọ 64 tuổi.

Cờ Thông Minh

Tư vấn lớp học

 

Tel: 024.39.12.12.12
Mobi: 091.202.3355

Trực tuyến

Đang online: 10

Hôm nay: 239

Tuần này: 1320

Tháng này: 10813

Tất cả: 1003183